Quản lý bản vẽ theo layer - Học AutoCad thực chiến cho người mới bắt đầu

Đào Huy Hoàng
0

QUẢN LÝ BẢN VẼ THEO LỚP (LAYER)

Layer hiểu đơn giản là 1 thuộc tính của đối tượng (tương tự như color, line type,… của đối tượng) dùng để quản lý đối tượng trong bản vẽ 1 cách dễ dàng.

Trong Layer chứa thiết lập các thuộc tính cơ bản của đối tượng là màu sắc (color), kiểu đường nét (Linetype), độ dày đường nét (Lineweight), ẩn- hiện đối tượng, khóa đối tượng (Lock), cho phép in ấn (plot), ... Do vậy, 1 đối tượng được áp dụng layer nào thì các thuộc tính cơ bản của layer đó sẽ áp dụng cho đối tượng đó.

Mặc định khi tạo bản vẽ mới thì AutoCAD tạo sẵn 1 Layer 0 quy định màu trắng, nét liền. Do vậy nếu không thiết lập gì về Layer thì tất cả các đối tượng vẽ sẽ đều áp dụng Layer 0. Ngoài ra nếu chuyển sang Layout trình bày bản vẽ, thì AutoCAD tự động thêm Layer Defpoints là Layer dùng để vẽ khung Mview (sẽ không được in ra).

Khi vẽ 1 đối tượng nào đó, việc trước tiên là phải chọn Layer cho đối tượng. Để có các Layer khác Layer 0, ta cần tạo thêm các Layer khác cho bản vẽ.

Thiết lập Layer

Phím tắt: La

Hoặc có thể gọi lệnh trên Toolbars

Mặc định trong bảng có 1 layer là layer 0. Layer này là layer mặc định nên ta giữ nguyên để khi copy đối tượng từ bản vẽ khác, ta đưa đối tượng về layer 0 và paste vào bản vẽ đích sẽ hạn chế việc thêm layer không mong muốn vào bản vẽ đích.

Để tạo thêm 1 kiểu Layer, ta click vào nút (1) hoặc nhấn Alt + N. Để xóa 1 layer thì điều kiện tiên quyết là layer cần xóa phải không áp dụng cho bất kì đối tượng nào trong bản vẽ. Ta click vào nút (2) để xóa.

Để thiết lập một layer, cần tùy chỉnh các thuộc tính sau:

Status: trạng thái của layer. Nếu Layer nào có đánh dấu màu xanh thì chính là Layer hiện hành (là layer đang sử dụng). Để kích hoạt 1 layer thành layer hiện hành, ta Click đúp chuột vào dòng Layer đó.

Name: tên của layer.

Để đổi tên Layer, ta nhấn chuột phải vào tên Layer rồi chọn Rename Layer

On: Trạng thái bật/ tắt của Layer. Nếu bóng đèn sáng là layer đang bật, nếu bóng đèn tắt thì đối tượng áp dụng kiểu Layer đó bị ẩn khỏi màn hình, không được in ra, nhưng vẫn có thể chọn được chúng và hiệu chỉnh.

 Freeze: Trạng thái đóng băng hay không đóng băng của Layer. Nếu biểu tượng ông mặt trời màu vàng tức là không bị đóng băng, ngược lại là layer đã bị đóng băng. Layer bị đóng băng thì giống như bị tắt Layer. Song đối tượng áp dụng kiểu Layer bị đóng băng sẽ không cho phép chọn chúng để hiệu chỉnh.

 Lock: Trạng thái bị khóa hay không bị khóa của layer. Nếu đối tượng áp dụng kiểu Layer bị khóa thì đối tượng bị mờ đi nhưng vẫn in ra được. Độ mờ của đối tượng được quyết được bởi giá trị Transparency. Đối tượng có thể chọn được song không thể chọn để hiệu chỉnh được.

Color: Thiết lập màu sắc cho layer.

Line type: Kiểu đường nét của layer (nét liền là continuous, nét khuất là Hidden, nét trục là Center, ... Nếu chọn mục này không thấy đường nét mong muốn thì chọn Load để đưa thêm kiểu đường nét vào.

Line weight: Độ dày đường nét của layer

Transparency: Độ trong suốt của layer. Giá trị càng lớn thì layer càng trong suốt.

Plot: Cho phép in đối tượng áp dụng kiểu Layer đó. Nếu biểu tượng máy in bị gạch chéo là không cho phép in ra. Tức là các đối tượng áp dụng layer kiểu này vẫn xuất hiện trong bản vẽ nhưng sẽ không được in ra.

Trong 1 bản vẽ thông thường, ta cần tối thiểu các Layer sau:

 Layer 0: là layer mặc định AutoCAD tự tạo sẵn.

Layer Defpoints: cũng là 1 loại layer mà AutoCAD tự tạo ra để quản lý khung Mview khi trình bày bản vẽ trong layout. Đối tượng dùng kiểu layer này sẽ không được in ra.

Layer nét đậm: ____________ (thường sử dụng cho nét cốt thép,...)

Layer nét thấy: _____________

Layer nét khuất: − − − − − − − − −

Layer nét trục: − ∙ − ∙ − ∙ − ∙ − ∙ −

Ngoài ra có thể tạo thêm layer quản lý các đối tượng ghi chú Anotative, kiểu Dim, kiểu Hatch, kiểu tường, kiểu nội thất, ...

Một bản vẽ cần bao nhiêu layer là đủ?

Không có câu trả lời cho câu hỏi này. Điều này tùy vào quan điểm quản lý bản vẽ của mỗi người, ngoài các Layer cơ bản thì ta cần tạo các layer khác nhau theo đối tượng cần quản lý.

Ví dụ: tất cả các đối tượng nội thất sẽ thuộc Layer “nội thất” Tất cả đối tượng tường sẽ thuộc Layer “tường” Tất cả các đối tượng Dim sẽ thuộc Layer “dim” Khi đó nếu ta muốn ẩn, khóa, đóng băng bất cứ đối tượng nào thì chỉ việc tùy chỉnh với Layer tương ứng giúp quản lý bản vẽ dễ dàng hơn.


khoảng trắng

Đăng nhận xét

0Nhận xét

Đăng nhận xét (0)