TẠI SAO CẦN PHẢI NGHIÊN CỨU VỀ KHẢ NĂNG THANH TOÁN CỦA DOANH NGHIỆP?
Một lưu ý nhỏ, tôi viết bài học này sẽ không
sử dụng những từ ngữ hàn lâm, thuật ngữ nhiều mà cố gắng diễn giải cho anh em
dễ hiểu nhất có thể, do đó, nếu anh em cần một tài liệu tính lý thuyết và từ
ngữ hàn lâm hơn thì tìm trong sách giáo khoa ở các trường đại học nhé.
Rất đơn giản, khi làm ăn kinh doanh, doanh
nghiệp thường phải vay nợ. Nợ là một con dao hai lưỡi. Nó có thể giúp doanh
nghiệp khuếch đại lợi nhuận nếu hoạt động kinh doanh tốt giống như chúng ta vay
margin để đầu tư chứng khoán vậy. Nhưng song song đó, nó còn là một thảm họa
khi doanh nghiệp làm ăn kinh doanh thua lỗ và không có khả năng THANH TOÁN.
Bình thường, nếu doanh nghiệp không vay nợ, làm ăn có chật vật một tí cũng
không bị áp lực trả lãi, nhưng một khi đã vay nợ thì việc trả lãi và vốn gốc
cho chủ nợ lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm cho doanh nghiệp bị
phá sản.
Do đó, việc phân tích và nghiên cứu khả
năng THANH TOÁN nợ của doanh nghiệp là vô cùng cần
thiết.
Doanh nghiệp mượn nợ nhiều thì phải có tài sản
hoặc tiền mặt tốt để sẵn sàng chi trả. Bằng không, doanh nghiệp đó sẽ bị áp
lực, dẫn đến vỡ nợ và trước khi vỡ nợ thì giá cổ phiếu đã kịch sàn mấy chục
phiên rồi.
Việc xem xét khả năng thanh toán của doanh
nghiệp và phát hiện sớm doanh nghiệp có vỡ nợ hay không là một trong những công
việc cần thiết mà nhà đầu tư phải làm với báo cáo tài chính.
Doanh nghiệp có làm ăn tốt, nhưng không đủ
tiền để trả lãi và vốn góp thì cũng coi là không hiệu quả. Về lâu dài, doanh
nghiệp đó cũng không tăng trưởng được và giá cổ phiếu cũng không tăng nổi, vì
nợ.
NHÓM CHỈ SỐ TÀI CHÍNH VỀ KHẢ NĂNG THANH TOÁN CỦA DOANH NGHIỆP
Trong nhóm chỉ số tài chính về khả năng thanh toán của doanh nghiệp gồm có:+ Khả năng thanh toán tức thời
+ Khả năng thanh toán nhanh
+ Khả năng thanh toán hiện hành
+ Khả năng thanh toán lãi vay
Đây là 4 chỉ số chính để nhà đầu tư có thể biết được khả năng thanh toán của doanh nghiệp đến đâu. Tôi sẽ diễn giải từng chỉ số với thông tin và ý nghĩa mà nó sẽ cung cấp cho chúng ta.
1. Khả năng thanh toán hiện hành: chỉ số này giúp cho nhà đầu tư nắm được một cách tổng quan về thực lực tài chính của doanh nghiệp, doanh nghiệp có bao nhiêu tài sản ngắn hạn, số lượng đó có đủ để trả cho các khoản nợ ngắn hạn hay không.
Công thức tính toán:
Khả năng thanh toán hiện hành = (Tài sản ngắn hạn) / Nợ ngắn hạn
2. Chỉ số khả năng thanh toán nhanh: chỉ số này đã loại bỏ
đi hàng tồn kho để có thể tính toán một cách trung thực hơn. Bởi lẽ, khi các
khoản nợ ngắn hạn đáo hạn, hàng tồn kho là thứ khó có thể chuyển đổi thành tiền
để thanh toán nhanh cho chủ nợ được. Cho nên loại chỉ tiêu hàng tồn kho sẽ giúp
nhà đầu tư nhìn ra được con số thực tế hơn.
Công thức tính toán:
Khả năng thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn - hàng
tồn kho) / Nợ ngắn hạn
3. Chỉ số khả năng
thanh toán tức thời: chỉ số này cho chúng
ta biết ngay tức thời (tại thời điểm lập báo cáo tài chính), doanh nghiệp có
khả năng trả được liều bao nhiêu % nợ ngắn hạn. Giả sử tất cả các khoản nợ ngắn
hạn đáo hạn hết, doanh nghiệp có đủ tài sản sẵn có để trả ngay hay không.
Công thức tính toán:
Khả năng thanh toán tức thời = (Tiền & tương đương tiền + Đầu tư tài chính ngắn hạn)/ Nợ ngắn hạn
4. Chỉ số khả năng thanh toán lãi vay: chỉ số này cho biết
lợi nhuận mà doanh nghiệp làm ra có đủ để trả lãi hay không. Nếu chỉ số này nhỏ
hơn một có nghĩa là doanh nghiệp kiếm được bao nhiêu lợi nhuận thì đã phải trả
lãi hết rồi, thậm chí còn phải kiếm nguồn khác để bù đắp lãi vay. Nếu chỉ số
này lớn 1, tức là doanh nghiệp đủ khả năng trả lãi và còn dư 1 ít tiền để chia
cho cổ đông hoặc tái đầu tư.
Công thức tính toán:
Khả năng thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước thuế và
lãi vay (EBIT) / Chi phí lãi vay
Lưu ý khi sử dụng các
chỉ số thanh toán:
+ Nếu các chỉ tiêu này < 1 và quá thấp thì
cho thấy rằng, doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để trả nợ ngắn hạn, đây là
dấu hiệu cảnh báo sớm về khả năng thanh toán và dấu hiệu vỡ nợ.
+ Các chỉ số này cao hay thấp còn phụ thuộc
vào từng ngành đặc thù. Con số chỉ có ý nghĩa khi so sánh qua các năm và so
sanh với các đối thủ trong ngành.
+ Các chỉ số về khả năng thanh toán của doanh
nghiệp được tính toán dựa trên các con số tại thời điểm lập báo cáo tài chính,
do đó, nó không thể sử dụng cho một giai đoạn xuyên suốt trong tương lai.
+ Chúng ta có thể theo dõi khả năng thanh toán
của doan nghiệp một cách liên tục qua các báo cáo tài chính quý.
TÍNH TOÁN THỰC TẾ NHÓM CHỈ SỐ TÀI CHÍNH VỀ KHẢ NĂNG THANH TOÁN CỦA DOANH NGHIỆP
Lý thuyết đã hoàn thành, bây giờ tôi và các bạn sẽ cùng đi đến một ví dụ thực tế về cách tính toán các chỉ số khả năng thanh toán của doanh nghiệp.Tôi vẫn sẽ lấy ví dụ về HPG.
Để tính các chỉ số này, tôi cần cả bảng cân đối kế toán và bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:
Bây giờ bắt đầu tính toán nhé:
1. Khả năng thanh toán hiện hành = (Tài sản ngắn hạn)/ Nợ ngắn hạn = 33.068 / 18.519 = 1.79
2. Chỉ số khả năng thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn - hàng tồn kho)/ Nợ ngắn hạn = (33.068 - 11.748) / 18.519 = 1.15
3. Chỉ số khả năng thanh toán tức thời = (Tiền & tương đương tiền + Đầu tư tài chính ngắn hạn)/ Nợ ngắn hạn = (4.264 + 9.936) / 18.519 = 0.77
4. Chỉ số khả năng thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) / Chi phí lãi vay = (9.288 + 479) / 479 = 20.4
Nhìn vào những con số về khả năng thanh toán này của HPG trong năm 2017, ta có thể thấy HPG đang kiểm soát tốt khả năng thanh toán nợ và lãi vay của mình. Tất cả đều lớn hơn 1 và lợi nhuận cao hơn 20 lần lãi vay. Duy nhất có chỉ số thanh toán hiện thời là nhỏ hơn 1 cho thấy nếu chỉ lấy tiền mặt để trả toàn bộ khoản nợ thì chưa đủ.